Đến du lịch Quảng Bình, ngoài thăm quan những danh lam thắng cảnh. Nếu còn một chút thời gian thì bạn hãy dừng chân ghé lại những địa điểm du lịch tâm linh nơi này. Nó không chỉ là địa danh tâm linh mang những nét đẹp văn hóa tin thần, tín ngưỡng mà còn mang những nét đẹp cảnh quan.
- Vũng Chùa – Đảo Yến
Nằm ở thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Vũng Chùa – Đảo Yến đẹp hoang sơ nổi bật giữa núi rừng biển đảo nơi đó. Bao bọc xung quang là Hòn La, Hòn Gió, Đảo Yến tạo nên khung cảnh thiên nhiên đẹp thanh bình, có phần hoang sơ, hấp dẫn.
Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam được nhân dân kính trọng, yêu mến và tự hào chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng.
Hiện nay Vũng Chùa – đảo Yến đã trở thành một địa danh thu hút sự quan tâm của hàng triệu người dân Việt Nam, nơi đây dù mưa hay nắng, dù ra Bắc hay vào Nam rất nhiều dòng người từ mọi miền đất nước ghé đến dâng những bó hương thơm, đóa hoa tươi thắm để tỏ lòng thành kính trước anh linh của người.
Tại khu vực này ngày trước từng có một ngôi đền rất linh thiêng nhưng đã bị xóa mòn theo gian. Nền móng là di vật còn sót lại của ngôi đền nằm cạnh đó.
Từ khi Đại tướng về với Vũng Chùa – đảo Yến đã có đến hàng triệu lượt người tới viếng, chỉ tính riêng trong tháng 10 năm 2015 ước được 74000 lượt người.
- Hang Tám Cô
Hang Tám cô nằm ở km 16 + 500 trên cung đường 20 – một phần của đường Trường Sơn huyền thoại (trong Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; Bố Trạch), được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1986.
Hang tám cô – một địa danh linh thiêng, là nơi in đậm dấu tích của 8 nữ thanh niên xung phong hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chứa đựng câu chuyện chiến tranh bi tráng…
Hàng ngày có hàng trăm lượt khách đến đây thắp hương cúng tế trong hành trình khám phá suối nước Moọc, động Thiên Đường, Phong Nha.
- Đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa
Nằm trong di tích danh lam thắng cảnh Đèo Ngang, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.
Đền là di tích tín ngưỡng dân gian với hình tượng Mẫu Liễu Hạnh trong đời sống tâm linh của dân tộc, nhằm tôn thờ, vinh danh người phụ nữ, bà mẹ Việt trong thời cổ đại. Đây cũng là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người bản địa nói riêng và du khách từ mọi miền nói chung.
Đây là cụm di tích còn tiềm ẩn nhiều khả năng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tại đây hằng năm cũng thu hút khách thập phương đến viếng, thắp hương cầu nguyện.
- Chùa Non – núi Thần Đinh
Nơi đây được biết đến là “chốn đa Phật” cùng giếng Tiên nằm ngay trước cổng chùa với dòng nước trong vắt, xanh mát mang vị ngọt lành.
Chùa non – Núi Thần Đinh (Quảng Ninh) nằm ở thôn rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. Nơi đây được biết đến là “chốn đa Phật” cùng giếng Tiên nằm ngay trước cổng chùa thu hút du khách đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp của rừng núi bao la, non nước hữu tình và thắp hương cầu nguyện, uống nước tiên cầu bình an sức khỏe.
Ngoài ra, du khách cũng được thỏa thích ngắm cảnh yên bình ngay trên dòng sông huyền thoại Đại Giang.
Trong những ngày hè, lễ, tết bình quân mỗi ngày có trên 200 khách leo núi Thần Đinh dâng hương đến vãn cảnh chùa Non.
- Chùa Hoằng Phúc
Chùa Hoằng Phúc (còn có tên là chùa Kính Thiên, chùa Quan) là một ngôi chùa ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Đến thời điểm năm 2014, chùa đã có lịch sử 700 năm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung Việt Nam.
Khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc sau khi được phục dựng, tôn tạo sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa quê hương. Đồng thời nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung và của các phật tử xa gần nói riêng.
Đến đây, quý khách không chỉ đến với cái tâm thanh tịnh của mình, mà cũng là dịp để các bạn thấy được lối kiến trúc của một công trình di tích lịch sử tiêu biểu mang yếu tố tâm linh trên vùng đất “ Hai giỏi” này.
- Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại
Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại hằn sâu trong ký ức những người lính Trường Sơn về sự hy sinh của hai tập thể lực lượng thanh niên xung phong quê ở Nghệ An và Thái Bình.
Để tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh, công trình Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn bến phà Long Đại đã hoàn thành sau 2 năm thi công. Đền nằm trên ngọn đồi cao, với diện tích hơn 1.600m2, trước đền có dòng sông Long Đại chảy qua.
Đây không chỉ là công trình tri ân các anh hùng liệt sỹ trên đường Trường Sơn mà còn là “địa chỉ đỏ” trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn để du khách thăm viếng, dâng hương khi đi trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông qua địa phận Quảng Bình.
- Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên một ngọn đồi rộng của dãy núi An Mã, thuộc xã Trường Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ; cách trung tâm huyện Lệ Thuỷ 25km về phía Nam.
Vị khai quốc công thần, Thượng đẳng thần, Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm Canh Dần (1650) tại Xã Chương Tín, huyện Phong Lộc nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là một kiệt tướng đời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng đế 1691-1725) , một nhà quản lý hành chính xuất sắc trong quá trình mở nước về phương Nam thời chúa Nguyễn và là người có công xây dựng nền móng cho Sài Gòn, Gia Định, nay là TPHCM, An Giang, Đồng Nai, các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Mấy thế kỷ qua đi, dẫu thế sự thịnh suy thăng trầm, song trong ký ức bất diệt của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Bình nói riêng, tên tuổi và sự nghiệp của Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vẫn luôn luôn toả sáng.
- Tượng đài mẹ Suốt
Tượng đài được xây dựng ngay tại trung tâm của bến đò mang tên mẹ Suốt, vinh danh người phụ nữ anh dũng đưa đò năm xưa. Đây là điểm giao lưu, sinh hoạt văn hóa của người dân bản địa, thường tổ chức các lễ hội múa hát, vui chơi cho các em nhỏ.
Tên tuổi anh hùng Nguyễn Thị Suốt được cả nước biết đến như biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tên tuổi của mẹ gắn liền với sự kiện lịch sử trong những ngày đầu đánh Mỹ của quân và dân Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung. Là biểu tượng sinh động, hào hùng của dân tộc ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Mẹ Suốt là một phụ nữ tiêu biểu của vùng đất “hai giỏi” như Bác Hồ kính yêu đã khen tặng “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”.
Sau khi dâng hương viếng thăm tượng đài Mẹ Suốt, du khách có thể ghé thăm làng chài Bảo Ninh, biển Nhật Lệ.